Các chỉ số đường huyết mà người bệnh Đái tháo đường cần quan tâm

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết (còn gọi là chỉ số đường huyết) do khiếm khuyết về sự điều tiết insulin, tác động của insulin, hoặc cả hai.

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Như thế chỉ số đường huyết bình thường của người tiểu đường là bao nhiêu?

>> 6 Món ăn vặt cho người tiểu đường: bạn đã biết chưa?

>> Lựa chọn chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường mắc bệnh Thận cần lưu ý gì?

Các chỉ số đường huyết mà người bệnh đái tháo đường cần quan tâm
Nghiên cứu tỷ lệ Đái tháo đường tại Việt Nam

Ở Việt Nam, năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh Đái tháo đường chỉ là 1,1% (TP. Hà nội), 2,25% (TP. Hồ Chí Minh), 0,96% (thành phố Huế). Nghiên cứu năm 2012 của Bệnh viện Nội tiết trung ương cho thấy, tỷ lệ hiện mắc Đái tháo đường trên toàn quốc. Ở người trưởng thành là 5.42%, tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63.6%.

Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose toàn quốc 7,3%, rối loạn glucose máu lúc đói toàn quốc 1,9% (năm 2003). Theo kết quả điều tra STEPwise về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18-69, cho thấy tỷ lệ Đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền Đái tháo đường là 3,6%.

Chẩn đoán Đái tháo đường qua chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết cho biết nồng độ đường glucose trong máu tại thời điểm đo và được xác định thông qua xét nghiệm máu, được tính bằng mmol/l hay mg/dl và chi làm 4 trường hợp:

1. Glucose huyết tương lúc đói ≥ 126mg/dL (hay 7mmol/L)

Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 – 14 giờ)

2. Glucose huyết tương sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250 – 300ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150 – 200g carbohydrate mỗi ngày.

3. HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol)

Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

HbA1c là một trong những chỉ số xét nghiệm đường huyết quan trọng
4. Xuất hiện triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L)

Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân). Các xét nghiệm chẩn đoán ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần thứ 2 sau lần thứ 1 có thể từ 1 đến 7 ngày.

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, bạn nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).

Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán Đái tháo đường.

Chỉ Số Đường Huyết An Toàn cho người đái tháo đường

Sau khi nhận biết được các chỉ số cần quan tâm đối với bệnh Đái tháo đường, bạn cần đảm bảo các chỉ số này nằm trong mục tiêu an toàn bao gồm:

Mục tiêu Chỉ số đường huyết an toàn

HbA1c< 7%

Glucose huyết tương mao mạch lúc đói, trước ăn80 – 130 mg/dL (4.4-7.2 mmol/L)

Đỉnh glucose huyết tương mao mạch sau ăn 1 – 2 giờ<180 mg/dL (10.0 mmol/L)

Huyết áp < 140/90mmHg hoặc nếu đã biến chứng thận: <130/85 – 80mmHg

Lipid máuLDL cholesterol <100 mg/dL (2,6 mmol/L), nếu chưa có biến chứng tim mạch LDL cholesterol <70 mg/dL (1,8 mmol/L) nếu đã có bệnh tim mạch Triglycerides <150 mg/dL (1,7 mmol/L) HDL cholesterol >40 mg/dL (1,0 mmol/L) ở nam và >50 mg/dL (1,3 mmol/L) ở nữ.

* Mục tiêu điều trị ở các cá nhân có thể khác nhau tùy tình trạng của bệnh nhân

Chỉ số đường huyết cần lưu ý

Đối với mục tiêu điều trị HbA1c < 6,5% (48 mmol/mol), bạn có thể đạt được khi không có dấu hiệu đáng kể của hạ đường huyết và những tác dụng có hại của thuốc.

Đối với người bệnh Đái tháo đường trong thời gian ngắn, bệnh Đái tháo đường type 2 được điều trị bằng thay đổi lối sống hoặc chỉ dùng metformin, trẻ tuổi hoặc không có bệnh tim mạch quan trọng.

Ngược lại, ở mục tiêu điều trị HbA1c < 8% (64 mmol/mol) phù hợp với những bệnh nhân có tiền sử hạ glucose huyết trầm trọng, lớn tuổi, các biến chứng mạch máu nhỏ hoặc mạch máu lớn, có nhiều bệnh lý đi kèm hoặc bệnh ĐTĐ trong thời gian dài và khó đạt mục tiêu điều trị.

Nếu đã đạt mục tiêu glucose huyết lúc đói, nhưng HbA1c còn cao, cần xem lại mục tiêu glucose huyết sau ăn, đo vào lúc 1 – 2 giờ sau khi bệnh nhân bắt đầu ăn.

Cách kiểm soát chỉ số đường huyết cho người bị Tiểu Đường

Để duy trì chỉ số đường huyết cho người Đái tháo đường được chia thành 2 hướng chủ yếu bao gồm:

1. Thay đổi lối sống lành mạnh

Thay đổi lối sống hay điều trị không dùng thuốc bao gồm luyện tập thể lực, dinh dưỡng.

Ổn định chỉ số đường huyết nhờ Luyện tập thể lực

Bạn cần kiểm tra biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh, biến dạng chân trước khi luyện tập và đo huyết áp, tần số tim. Lưu ý không luyện tập gắng sức khi glucose huyết > 250-270 mg/dL và ceton dương tính.

Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất là đi bộ. Tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2 – 3 lần (kéo dây, nâng tạ).

Người già, đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày. Chẳng hạn như, đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10 – 15 phút. Người trẻ nên tập khoảng khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần để duy trì đường huyết ổn định.

Người trẻ nên tập khoảng 60 phút mỗi ngày
Dinh dưỡng hợp lý duy trì đường huyết

Dinh dưỡng cần được áp dụng linh hoạt theo thói quen ăn uống của bệnh nhân. Tốt nhất nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Chi tiết về dinh dưỡng sẽ được thiết lập cho từng bệnh nhân tùy tình trạng bệnh, loại hình hoạt động, các bệnh lý, biến chứng đi kèm.

2. Điều trị Đái tháo đường bằng thuốc

Quá trình điều trị sẽ bao gồm các nhóm thuốc hạ glucose huyết đường uống và thuốc dạng tiêm không thuộc nhóm insulin.

Ngoài ra, insulin được sử dụng ở bệnh nhân Đái tháo đường type 1 và type 2 khi có triệu chứng thiếu insulin hoặc không kiểm soát được glucose huyết dù đã ăn uống luyện tập và phối hợp nhiều loại thuốc viên theo đúng chỉ dẫn.

Ngoài ra, chỉ số đường huyết của bệnh nhân ĐTĐ type 2 khi mới chẩn đoán nếu glucose huyết tăng rất cao cũng có thể dùng insulin để ổn định glucose huyết. Sau đó sẽ dùng các loại thuốc điều trị tăng glucose huyết khác.

Việc nhận biết chỉ số đường huyết của người bị tiểu đường bao nhiêu là an toàn sẽ giúp người bệnh ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Hãy duy trì chỉ số đường huyết an toàn giúp bạn phòng tránh và giảm thiểu các biến chứng tiểu đường.

Nguồn tham khảo

1. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 (Quyết định số 3319/QĐ-BYT)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn