Chỉ số HbA1c có quan trọng với cơ thể không?

HbA1c là một trong những chỉ số xét nghiệm rất quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường vì nó phản ánh tình trạng glucose máu trong 3 tháng vừa qua của họ đã được kiểm soát tốt hay chưa. Trên cơ sở đó giúp cho bệnh nhân cũng như bác sĩ điều trị có kế hoạch điều trị kịp thời cũng như phòng ngừa các biến chứng của bệnh gây ra.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không hiểu đúng tầm quan trọng của chỉ số này nên việc kiểm tra chỉ số HbA1c đang ít được sử dụng. Vậy chỉ số HbA1c là gì, có ý nghĩa như thế nào trong chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường ?

1. Tổng quan về Hba1c

Trong tế bào hồng cầu người có 3 loại hemoglobin (Hb) khác nhau: HbA1 chiếm tỷ lệ rất lớn (97-98%) trong toàn bộ lượng Hb, còn lại là HbA2 (2-3%) và HbF (<1%). Thực tế HbF chỉ tồn tại chủ yếu ở bào thai và sau này còn lưu lại một lượng rất nhỏ nên ở người trưởng thành bình thường chỉ có hai loại Hb chính là HbA1 và HbA2.

HbA1c lại tiếp tục được chia làm 3 nhóm bao gồm HbA1a, HbA1b và HbA1c. HbA1c cũng là thành phần chiếm tỉ lệ phần trăm chủ yếu với hơn 80% trong hồng cầu.



Các Hb có trong hồng cầu sẽ kết hợp với glucose liên tục trong suốt đời sống của mình cùng sự xúc tác của các enzym trong cơ thể. Tuy nhiên nếu nồng độ glucose trong máu quá cao và duy trì trong một quãng thời gian dài thì nó sẽ tự động phản ứng với Hb trong máu mà không cần enzym nữa. Sản phẩm được tạo ra từ quá trình này gọi là Hb bị glycosyl hóa.

Chỉ số này được tạo thành bởi phản ứng của glucose gắn vào gốc amin trên chuỗi beta trong phân tử HbA1. Do đời sống hồng cầu khoảng 120 ngày nên lượng HbA1c cũng được duy trì ở một nồng độ ổn định trong máu với khoảng thời gian tương đương. Định lượng HbA1c máu đặc biệt có ý nghĩa trong việc kiểm soát và theo dõi các biến chứng trong bệnh tiểu đường. Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng để định lượng HbA1c trong máu như phương pháp đo quang, phương pháp sắc ký…

2. Chỉ định xét nghiệm HbA1c

– Xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh lý tiểu đường khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

– Xét nghiệm HbA1c được chỉ định cho những người nghi ngờ có bệnh tiểu đường khi gặp các biểu hiện sau: Khát nước, đi tiểu nhiều, ăn nhiều, mệt mỏi, mờ mắt, gầy sút cân, nhiễm trùng lâu khỏi…

– Xét nghiệm HbA1c cũng có thể được xem xét chỉ định cho những người có các yếu tố nguy cơ cao với bệnh tiểu đường như: Người thừa cân, hoạt động thể chất kém; những người tiền sử gia đình có người bị tiểu đường; những người bị huyết áp cao, bất thường chuyển hóa lipid; phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, phụ nữ có thai; những người tiền sử bệnh tim mạch hoặc có các bệnh lý liên quan đến tim mạch…

– Xét nghiệm HbA1c còn được chỉ định đối với những bệnh nhân tiểu đường đang trong quá trình điều trị để theo dõi sự kiểm soát đường máu, giúp bác sĩ điều trị đánh giá được đường máu có được kiểm soát tốt hay không trong thời gian 2-3 tháng vừa qua. HbA1c giúp tiên lượng sự xuất hiện và tiến triển của các biến chứng vi mạch do tiểu đường.



3. Ý nghĩa xét nghiệm HbA1c

Ở người bình thường giá trị của HbA1c là 4 – 6%. Khi HbA1c tăng trên bình thường 1% tương ứng với giá trị đường máu tăng thêm 1.7mmol/L.

Đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh tiểu đường, khi HbA1c > 10% cho thấy đường máu của bệnh nhân trong khoảng 3 tháng qua kiểm soát kém, nếu HbA1c < 6.5% cho thấy đường máu đang được kiểm soát tốt.

Trong quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường, bệnh nhân và bác sỹ hầu như chỉ để ý đến kết quả xét nghiệm đường máu lúc đói, đường máu sau ăn 2 giờ và xét nghiệm phát hiện đường niệu. Xét nghiệm đường máu chỉ cung cấp thông tin về lượng đường trong máu ngay tại thời điểm thử. Do đó, mức đường máu lúc đó thấp không đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt thực sự và không có biến chứng.

Để đánh giá đường máu có được kiểm soát tốt hay không trong một quá trình và tiên lượng về biến chứng, bệnh nhân cần làm xét nghiệm HbA1c. Nếu đường máu càng tăng thì HbA1c được tạo ra càng nhiều. Do tế bào hồng cầu có thể tồn tại trong vòng khoảng 120 ngày nên xét nghiệm HbA1c có giá trị thông báo mức đường máu của 3 tháng gần nhất.

Do đó, chỉ số này không chỉ đánh giá kết quả điều trị của bệnh nhân trong 3 tháng qua mà còn tiên lượng về sự xuất hiện biến chứng. Chỉ số này cao chứng tỏ bệnh nhân đã hoặc sắp có biến chứng. Với người lần đầu phát hiện bệnh tiểu đường, xét nghiệm này rất có giá trị trong việc đánh giá bệnh đang ở mức độ nào, điều mà chỉ số đường huyết lúc đói không thể thay thế được.

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có khoảng 18% số bệnh nhân tiểu đường đang điều trị kiểm soát tốt HbA1c. Bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ ăn trong một vài ngày là đã có thể giảm mức đường huyết lúc đói, nhưng chỉ số HbA1c chỉ giảm khi bệnh nhân tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện, uống thuốc trong vài tháng. Vì vậy, đây là một trong những chỉ số trung thực nhất để đánh giá kết quả điều trị.

Theo nhiều nghiên cứu được công bố thì HbA1c chỉ cần giảm 1%, bệnh nhân đã giảm được 43% nguy cơ cắt cụt chi, 37% nguy cơ suy thận, mù mắt và giảm đáng kể các biến chứng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

4. Theo dõi chỉ số HbA1c ở người bị bệnh đái tháo đường như thế nào?

Những bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 đều nên thực hiện xét nghiệm HbA1c. Mỗi năm nên thực hiện khoảng 2 đến 5 lần, tốt nhất là nên xét nghiệm chỉ số HbA1C ở người bị bệnh đái tháo đường 3 tháng/1 lần và tối thiểu là 2 lần/ năm.

Tuy nhiên, thời gian xét nghiệm cũng có thể được điều chỉnh nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo tình trạng bệnh, tốt nhất, bạn hãy tuân thủ theo chỉ định và lời khuyên của các bác sĩ. Từ kết quả của chỉ số này, các bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế nguy cơ biến chứng, nhất là biến chứng về mạch máu và thần kinh. 

Chỉ số HbA1c > 7% là một chỉ số đáng báo động, cho thấy cơ thể bạn đang không kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Chỉ số ở mức an toàn là khi HbA1c thấp hơn < 6.5%.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, một số bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nồng độ HbA1c vì thế khi nhận được kết quả chỉ số HbA1c thì bạn cần tuân thủ theo lời tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Không chỉ những bệnh nhân mắc đái tháo đường mới cần thực hiện phương pháp này, mà một số bệnh nhân gặp phải một số biểu hiện bất thường như sau cũng nên thực hiện xét nghiệm chỉ số HbA1c:

  • Thường xuyên khát nước, thèm ăn đồ ngọt, luôn muốn ăn dù không hoạt động thể chất nhiều.
  • Cơ thể hay mệt mỏi.
  • Mắt của bệnh nhân bị mờ, nhìn hình ảnh bị nhòe.
  • Thường xuyên đi tiểu.


Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HbA1c: Không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm. Bạn có thể thực hiện xét nghiệm ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả khi bạn vừa ăn xong. Đối với bệnh nhân đái tháo đường đang trong giai đoạn điều trị thì cần sự tư vấn của bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm. Bác sĩ sẽ chỉ định có cần phải dừng thuốc khi thực hiện xét nghiệm hay không.

Bệnh nhân nên có chế độ ăn lành mạnh để cải thiện bệnh hiệu quả

Ngoài việc theo dõi lượng đường trong máu, bệnh nhân cũng nên có chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh như sau:

Nên có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học: Nên ăn nhiều rau củ quả - đây là những thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ và vitamin. Đồng thời bổ sung các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như quả bơ, hạt óc chó,… và không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, các loại đồ ăn chế biến sẵn.

Vận động cũng là cách giúp giảm đường trong máu

Chăm chỉ vận động, tập luyện thể thao: Người bệnh đái tháo đường không nên tập luyện những bài tập có cường độ quá nặng, nhưng họ nên tập đều đặn với mức độ nhẹ nhàng. Chẳng hạn như đi bộ hàng ngày, tập yoga, bơi lội,… Với sự tập luyện chăm chỉ chắc chắn, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện.

Những thông tin về chỉ số HbA1c hy vọng là những thông tin hữu ích đối với bạn. Hãy kiểm tra chỉ số đường huyết và chỉ số này để kiểm soát lượng đường huyết của cơ thể một cách tốt nhất.



Cùng tìm hiểu về nhịp tim và huyết áp
Tìm hiểu thêm về tăng huyết áp
Chia sẻ thêm về tăng huyết áp
Đọc và hiểu thêm về điều trị tiểu đường thai kỳ
Như thế nào là chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Xem thêm cơn đau thắt ngưc
Xem thêm về thức ăn dành cho người tiểu đường
Tìm hiểu thêm phối hợp thuốc huyết áp

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn